Gần chục năm gắn bó với nghề chăn nuôi, đến nay, anh Phạm Xuân Thủy ở xóm 2, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã trở thành tỷ phú với cơ ngơi 13 trại nuôi lợn, gà khép kín. Anh cũng được bình chọn là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.
Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 ở Thái Bình khai phá đất hoang, làm giàu
Con đường bê tông dẫn ra trang trại của anh Phạm Xuân Thủy ở xóm 2, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, Thái Bình phủ một màu xanh mướt của những cánh đồng lúa, hoa màu thẳng tắp hai bên. Trong trí nhớ của những người dân Vũ Đoài, nơi đây vốn là đất trồng cam, trồng đay từ những ngày xưa cũ.
Cánh đồng trũng, ngập úng quanh năm chẳng có loài cây nào sống nổi, sau khi cây đay hết thời, cây cam không phù hợp, nơi này gần như bị bỏ hoang, cỏ lau, cỏ tranh đua nhau mọc lút đầu người, tốt như rừng.
Đón chúng tôi tại trang trại trong tiếng kêu rộn ràng của đàn gà khổng lồ, anh Thủy bảo: "Để có được cơ ngơi như hôm nay, tôi phải vất vả chở từng xe gạch vỡ để tạo dựng thành đường".
Đó là thời điểm năm 2013 - 2014, sau một thời gian dài chuyên buôn chuyến gà, lợn thương phẩm và thức ăn chăn nuôi, nhận thấy việc kinh doanh thức ăn chăn nuôi không mang lại nhiều lợi nhuận do chăn nuôi nông hộ ngày càng thu hẹp, lại thêm có chính sách dồn điền đổi thửa của xã, anh Thủy quyết tâm ra khu đồng trũng của xóm 2 để lập nghiệp.
Anh Phạm Xuân Thủy, xóm 2, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, Thái Bình - nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 chia sẻ kế hoạch sản xuất với ông Nguyễn Phong Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Đoài. Ảnh: K.N
Vậy nhưng khi bước chân ra cánh đồng vốn chỉ cách nơi anh kinh doanh thức ăn chăn nuôi một quãng ngắn, anh Thủy vẫn không khỏi hoang mang, lo lắng trước sự hoang vu của nơi này.
Anh bắt tay vào tạo dựng trang trại từ những viên gạch đầu tiên, chở từng xe gạch vỡ làm con đường từ ngoài đường chính vào trang trại, lên nền, đổ cát để xây dựng một trại nuôi gà đầu tiên với quy mô khoảng 3 vạn con.
Rồi anh Thủy dẫn chúng tôi ra khu trại đầu tiên anh xây dựng, so với những trại sau này, khu trại đầu tiên trên hành trình lập nghiệp của nông dân Việt Nam xuất sắc trông rõ dấu vết thời gian với hệ thống mái kiểu cũ. Nhưng từ trại gà đầu tiên này, những trại gà tiếp theo tiếp tục được mọc lên, lấp đầy khu đất hoang trước đây không ai bén mảng đến.
Một góc trang trại chăn nuôi gà của anh Phạm Xuân Thủy, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022. Ảnh: K.N
Bây giờ, anh Thủy đã có 13 trại nuôi gà, lợn khép kín, trại sau áp dụng công nghệ hiện đại hơn trại trước, tường trang trại được thiết kế hệ thống làm lạnh cùng với những chiếc quạt thông gió, giúp điều hòa nhiệt độ ổn định. Tổng diện tích trang trại đạt 7ha, và anh còn có dự định mở rộng thêm.
Bên trong mỗi chuồng nuôi, hệ thống máng nước tự động, khay để thức ăn… được sắp xếp hợp lý, phù hợp với từng ô ngăn cách nhằm tạo không gian thoải mái.
"Nếu lấp đầy công suất của 11 trại gà, quy mô đàn gà lên đến 160.000 con, còn hiện tại tôi đang nuôi khoảng 100.000 con gà thịt và 2 trại lợn khoảng 1.000 con", anh Thủy chia sẻ.
Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 của Thái Bình tiết lộ, từ đầu năm đến nay dù giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nhưng do giá gia cầm tương đối ổn định nên người chăn nuôi có lãi. "Từ đầu năm đến nay, tôi đã thu lãi khoảng 1,7 tỷ đồng từ nuôi gà", anh Thủy khoe.
Anh Phạm Xuân Thủy kiểm tra sức khỏe đàn gà. Ảnh: K.N
An toàn sinh học + kích hoạt hệ thống báo động chuồng trại = thành công
Bây giờ khi đã là chủ của 13 trại gà quy mô lớn nhất nhì huyện Vũ Thư với doanh thu 7 - 8 tỷ đồng/năm nhưng anh Phạm Xuân Thủy vẫn không quên "cơn bão" dịch tả lợn châu Phi đã quét qua trang trại.
"Chỉ trong 1 đêm, tôi buộc phải tiêu hủy 64 tấn lợn, thiệt hại 1,3 tỷ đồng, đau xót không sao tả được. Chưa bao giờ tôi phải thuê máy múc, máy cẩu vào để xử lý đàn lợn do phát hiện mắc dịch tả lợn châu Phi", anh Thủy nhớ lại thời điểm năm 2019, khi dịch tả lợn châu Phi quét qua trang trại.
Sau "cú sốc" đó, anh quyết định thực hiện nghiêm túc quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. "Vào chuồng gà còn dễ chứ trại lợn nhà tôi là ngoại bất xuất, nội bất nhập, chỉ có công nhân ở đó đảm nhiệm công việc chăm sóc, tôi giám sát từ xa. Nếu không đảm bảo an toàn sinh học thì dịch bệnh tấn công bất cứ lúc nào. Còn đàn gà phải đảm bảo nguồn giống uy tín, tiêm các loại vaccine đầy đủ và chỉ dùng kháng sinh cho đàn gà trong khoảng 21 ngày, sau đó đến khi xuất chuồng là nói không với kháng sinh để đảm bảo chất lượng", anh Thủy tiết lộ.
Khu chuồng trại đầu tiên anh Phạm Xuân Thủy xây dựng từ nơi đồng chiêm trũng hoang vu. Ảnh: K.N
Thế nhưng dù đã đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học, đúng kỹ thuật thì đôi khi chính anh cũng không lường trước được những rủi ro không đáng có.
"Nếu không mất trắng một lứa gà mấy vạn con do sự cố điện thì thu nhập từ đầu năm đến nay của gia đình tôi phải đạt 3 tỷ đồng. Nhưng do sự cố điện 3 pha nên hệ thống quạt thông gió bị ngắt, đàn gà bị chết ngạt gần hết. Sự việc nhanh đến nỗi chúng tôi ngồi ăn cơm ngay bên ngoài chuồng gà, các thiết bị điện khác vẫn hoạt động nhưng gà chết ngạt lúc nào chả hay", anh Thủy nhớ lại sự cố với trang trại gần đây khiến anh mất toi 1,3 tỷ đồng. Từ sự cố này, anh Thủy cho biết, phải bố trí hệ thống báo động kép cho trang trại, để đảm bảo khi có sự cố, hệ thống sẽ sớm kích hoạt.
Hiện, ngoài việc nâng cấp, tự động hóa các trại nuôi gà để giải phóng sức lao động cho công nhân trong việc chăm sóc, cho đàn gà ăn, anh Thủy còn đang có dự định xây dựng cơ sở chế biến, phối trộn thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí giá thành, đồng thời trong tương lai xây dựng cơ sở chế biến thịt gà.
Anh Phạm Xuân Thủy nuôi giống gà ta nên đầu ra rất rộng mở. Anh còn là một đầu mối cung cấp các loại gà thịt cho khắp các tỉnh phía Bắc. Ảnh: K.N
"Nếu áp dụng chăn nuôi quy mô lớn, tôi tin, các trang trại của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được với thế giới vì hiện tại, chăn nuôi với quy mô khép kín, giá thành giảm đi rất nhiều", nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 của quê lúa tự tin khẳng định.
Tuy vậy, điều anh Thủy băn khoăn là hiện nay việc tiếp cận vốn để mở rộng quy mô, nâng cấp cho trang trại gặp nhiều khó khăn. Anh chỉ có thể thế chấp bằng sổ đỏ của gia đình để vay vốn, trong khi toàn bộ quy mô trang trại lại không thể thế chấp để có được nguồn vốn lớn hơn.
Dù vậy, anh Thủy vẫn quyết tâm trong thời gian tới tiếp tục áp dụng công nghệ tự động hóa vào hệ thống chuồng trại, "bởi công nghệ chăn nuôi ngày càng thay đổi, hôm nay công nghệ này còn hiện đại nhưng năm sau đã khác rồi, mình phải ứng dụng để đảm bảo hiệu quả chăn nuôi", anh Thủy khẳng định.
Anh Phạm Xuân Thủy nuôi gối đầu để đảm bảo tuần nào cũng có gà xuất bán. Ảnh: K.N
Tự hào xã thuần nông có 3 nông dân Việt Nam xuất sắc
Điều mà lãnh đạo xã Vũ Đoài rất tự hào là ở xã thuần nông này có tới 3 nông dân Việt Nam xuất sắc. Đó là ông Phạm Văn Tràng ở xóm 2, xã Vũ Đoài, nuôi gà đẻ trứng, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014, ông Phạm Đình Chiểu ở xóm 2, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017 và anh Phạm Xuân Thủy, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.
Ông Nguyễn Phong Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Đoài đánh giá rất cao 3 mô hình của những nông dân Việt Nam xuất sắc này.
"Vũ Đoài vẫn là xã thuần nông, tỷ trọng nông nghiệp chiếm trên 44%, do vậy mô hình chăn nuôi quy mô lớn của những nông dân Việt Nam xuất sắc góp phần thay đổi diện mạo nền kinh tế của xã, tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương. Anh Thủy, anh Tràng cũng là những nông dân xuất sắc đi đầu trong việc tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất quy mô lớn. Anh Thủy còn là đại biểu Hội đồng nhân dân xã, có những đóng góp rất tích cực cho phong trào xây dựng nông thôn mới, phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua của địa phương", ông Đăng nói.
Ông Đăng cũng nhấn mạnh, lãnh đạo xã Vũ Đoài luôn tạo điều kiện, hỗ trợ thủ tục để nhân dân dồn điền đổi thửa, xây dựng các mô hình sản xuất quy mô lớn để mong sao xã Vũ Đoài có thêm nhiều nông dân Việt Nam xuất sắc.