Giới thiệu
Sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng trên vùng cát Non Nước (Đà Nẵng), sau khi quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, chị Thao tham gia kháng chiến khi mới 14 tuổi. 17 tuổi, chị trở thành chiến sĩ của Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) Quảng Đà. Năm 1969, chị là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Vận tải 232 (Quân khu 5) với nhiệm vụ vận chuyển hàng từ hậu cứ ra phía trước và chuyển thương binh từ các tuyến trước trở về. Đơn vị của chị có 500 chiến sĩ nữ. Trong 4 năm, từ 1969-1972, đội quân tóc dài ấy đã vận chuyển trên 9.000 tấn hàng hóa các loại chi viện cho chiến trường miền Nam. Chị và các chiến sĩ mỗi lần làm nhiệm vụ phải vượt núi rừng trong hàng chục giờ đồng hồ với gùi hàng nặng tới 120 kg trên lưng mỗi người. Cái tên “Tiểu đoàn Bà Thao” cũng vang danh từ đó. Quân địch đã treo thưởng lớn cho ai tìm ra thủ lĩnh của đội quân tóc dài ấy.
Hậu phương từ gia đình
Hòa bình lập lại, hàng ngàn TNXP và CCB Tiểu đoàn 232 trở về quê, bươn chải kiếm sống bằng các nghề lao động phổ thông, làm ruộng hoặc buôn bán nhỏ và ít có cơ hội xây dựng gia đình. Nhiều chị đơn độc suốt đời. Không ít chị đơn thân nuôi con trong nhọc nhằn, thiếu thốn và bao điều tiếng nặng nề. Có chị ở nhờ nhà người khác triền miên thiếu ăn, thiếu mặc…Chị cũng về lại quê hương và sống tại phường Hòa Cường Nam (Hải Châu, Đà Nẵng). Mệnh lệnh mới của chị: Còn sức khỏe, còn hoạt động nghĩa tình đồng đội.Trên cương vị Chủ tịch Hội Cựu TNXP thành phố Đà Nẵng, chị đã vận động kinh phí xây dựng được 27 ngôi nhà nghĩa tình đồng đội, hỗ trợ sửa chữa 11 nhà và vận động hàng ngàn suất gạo, tiền, quà, quần áo, vật dụng gia đình, giúp đỡ những đồng đội cũ nghèo khó. Chị đã vận động các bệnh viện và các cơ quan liên quan giúp đỡ, tổ chức phẫu thuật, điều trị bệnh tim mạch cho 1.455 lượt hội viên khó khăn, với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng. Trên 30% hội viên có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ bằng cách vận động kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà, tặng phương tiện nghe nhìn, vật dụng sinh hoạt gia đình, khám, chữa bệnh miễn phí…Chị cùng với Ban Thường vụ Hội Cựu TNXP thành phố Đà Nẵng nhiều lần trở về các chiến trường xưa để tìm kiếm hài cốt đồng đội và đã tìm được 21 hài cốt đồng đội.Trong số 1.193 hội viên Cựu TNXP và gần 400 CCB Tiểu đoàn 232, chị đã chọn ra gần 100 trường hợp cần giúp đỡ.
Chồng chị, anh Phạm Văn Tường, một cán bộ tập kết, ra miền Bắc học tập, trở thành kỹ sư cơ khí, tham gia xây dựng hậu phương lớn, đến năm 1973 được điều vào chiến trường Khu 5 và đây là nơi hai anh chị gặp nhau và nên nghĩa vợ chồng sau ngày đất nước thống nhất. Các con của anh chị đều học giỏi và thành đạt. Những năm qua, chồng và các con luôn hết lòng ủng hộ chị Thao trong mọi hoạt động, tiếp thêm sức mạnh cho chị trên hành trình nghĩa tình đồng đội./.