Qua cuộc khảo sát di tích thuộc địa bàn huyện Phú Bình và Phổ Yên gần đây, Sở Văn hoá Thông tin Thái Nguyên đã phát hiện 3 di tích lịch sử văn hoá thờ danh nhân Phạm Cự Lạng - người được phong làm Thái úy, thời vua Lê Hoàn.
Đó là các di tích:
- Đình Đoài, thuộc xóm Ngói, Hà Châu (Phú Bình);
- Đình Hoàng Đàm, xóm Hoàng Đàm, Nam Tiến và
- Đình Thượng Giã, Thuận Thành (Phổ Yên).
Còn có các nơi khác có đền thờ ông:
- Đồng Cổ (tức xã Đan Nê, Yên Định, Thanh Hóa)
- Đa Cái ở Hoan Châu (tức xã Hương Cái, Hưng Nguyên, Nghệ An ngày nay - Tây nam huyện Hưng Nguyên).
- Đền Lương Sử ở cạnh Văn Miếu, phường Quốc Tử Giám, Hà Nội
- Tại Hưng Lộc (Nghĩa Hưng, Nam Định) [1]
Qua nghiên cứu các sắc phong và thần tích còn lưu giữ được ở ba ngôi đình thờ ông ở Thái Nguyên thì trong các bản thần tích đều gọi tên ông là Phạm Cự Lượng, tỏ ý tôn trọng tên tục của ông và ghi rõ tên hiệu của ông là Hồng Thánh Khuông Quốc Trung Vũ Tá Trị Đại Vương, thời Lý Thái Tông.
Ngoài các di tích thuộc địa bàn các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Nội và Nam Định (Hải Dương quê ông có đền thờ ông không?) có tỉnh Thái Nguyên còn 3 di tích thờ ông [2].
Sắc phong và bài vị của đình Đoài được vua Tự Đức thứ 33 (1881) ban sắc phong cho Phạm Cự Lạng như sau: "Cương kiên trung kiêu địch quả trang vũ quang ý Khuôn Quốc trung đẳng thần"...
Như vậy, qua việc phát hiện các tài liệu Hán Nôm tại các di tích nói trên cho biết thêm về 3 nơi thờ Phạm Cự Lạng, một nhân vật lịch sử nổi tiếng thời xưa của tỉnh Hải Dương là điều đáng quý bởi như sử sách đã ghi chép ông là một người có công với dân, với nước cho nên nhân dân tỉnh Thái Nguyên cũng thờ ông.
--------------------------------------
[1] Thời Đinh, Phạm Cự Lạng được phong chức Phòng Ngự sứ tiên phong Tướng quân ra giữ cửa biển Đại Ác (nhà Lý đổi là Đại An là cửa Liêu thuộc xã Quần Liêu huyện Đại An).
[2] Đến thời Tiền Lê, ông cầm quân phá Tống ở biên ải. Rất khả năng ba nơi thờ ông ở Thái Nguyên cũng có thể là nơi ông đã cầm quân đánh giặc. Theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục vào năm 981: Bấy giờ quân Tống chia đường sang xâm lấn: Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng kéo đến Lạng Sơn; Trần Khâm Tộ kéo đến Tây Kết, Lưu Trừng kéo đến sông Bạch Đằng.