1. Giới thiệu
Về Phạm Tu, nhiều tác giả đã viết kỹ nhưng về dòng Phạm Tu thì việc nghiên cứu chưa sâu. Ở quê Thanh Liệt hiện không có phả cổ nào ghi chép về hậu duệ gần của Phạm Tu. Phả tộc Thanh Liệt hiện có là một phả mới viết chỉ có vài đời gần đây.
2 cuốn Phả về Phạm Điện Soái không hề có một dòng nào đề cập đến Phạm Tu.
Ban tư liệu có công bố phả hệ Phạm Tu dựa vào bản thảo chưa công bố của Dã lan Nguyễn Đức Dụ nhưng khi dòng họ muốn được biết nguồn gốc tư liệu thì cụ Dã lan một mực chối từ. Phả đồ đưa tên con và cháu Phạm Tu cho là những vị có công kháng Tuỳ đầu thế kỷ thứ VII song Toàn thư phủ định : vua tôi Lý Phật Tử ra hàng ngay khi quân Tuy mới đến cõi quan văn, quan võ không hề kháng cự, đều bị bắt và bị giết vào 605.
Từ đời 4 trở đi Phả đồ ghi hậu duệ các dòng khác quy về Phạm Tu, ví dụ Phạm Cự Lượng gốc Nam sách, có sử liệu ghi gốc Chiêm. Họ Phạm Mã Thành - Yên Thành - Nghệ An hiện thờ vọng Phạm Phòng Át, Phạm Cự Lượng, Phạm Vấn (chưa kiểm tra qua Phả Mã thành). Các vị Phạm Tông Mại, Phạm Tông Ngộ. Phạm Sư Mạnh gốc Kính chủ cũng đem gán vào dòng Phạm Tu.
Xét về mặt địa lý, do vị trí đặc thù của quê hương, người Thanh Liệt dẫn vì lý do gì đó phải xa quê thì cuối cùng cũng tìm về quê gốc.
2. Vùng đất
Ngày xưa, sĩ tử ở các miền xa kinh kỳ đều có một ước vọng về Kinh để trau dồi học vấn. Nơi đó có Quốc tử giám, có thầy giỏi, là nơi đua tài với sĩ tử các xứ.
Đỗ đạt, làm quan lại phân biệt quan trọng (ở kinh) và quan ngoài (ở các trấn). Quan trong nếu phải điều động đi các trấn dẫu gặp nơi béo bở cũng tự xem như bị kỷ luật. Nhiều vị quan trong được giao kiêm chức ở trấn vẫn tìm cách ở lại đế đô "chỉ đạo từ xa". Quan ngoài thì mơ ước được về kinh. dù bổng lộc có kém đi cũng xem như được vinh thăng. Vì vậy nhiều vị vua đã ra lệnh cấm quan trọng quan hệ với quan ngoài để ngăn chặn sự móc ngoặc trong việc thuyên chuyển về kinh.
Đất Thanh Liệt là nơi địa linh nhân - kiệt, không chỉ có Phạm Tu mà còn có Chu Văn An và sự tổ Vĩnh Nghiêm họ Bùi, sản vật không thiếu thứ quý hiếm, nói chung đất có thể đủ nuôi sống người. Tôi cho rằng không có một lý do gì có thể ép buộc người Thanh Liệt phải rời quê gốc đi lập nghiệp ở nơi xa để tạo nên một dòng họ mới. Quan hệ hôn nhân có lẽ chỉ giới hạn trong phạm vi đất Kinh kỳ. Vì vậy tôi cho rằng hậu duệ Phạm Tu ngoài nơi cư trú gốc Thanh Liệt thì ít có khả năng cư trú ở các huyện xa Thanh Trì. Và đó có thể cũng là lý do không đưa được các viễn tổ gốc khác Thanh Liệt quy về Phạm Tu.