Năm 1010, triều đại nhà Lý mở ra chương mới trong lịch sử phong kiến Việt Nam với dấu ấn Thăng Long địa linh nhân kiệt. Dưới triều đại nhà Lý, đất nước Đạt Việt sở hữu vô số thành tựu lớn lao ghi dấu ấn sâu đậm đến tận ngày nay. Để nhà Lý có được một đất nước với một nền độc lập tự chủ vững mạnh, nền kinh tế và văn hóa phát triển hưng thịnh, cuộc sống của nhân dân ấm no, thái bình đó chính nhờ công lao những vị vua tài giỏi trong công cuộc dựng nước và gìn giữ đất nước !
1. Vua Lý Thái Tổ (1010 - 1028)
- Niên hiệu: Thuận Thiên (順天)
- Tên đầy đủ: Lý Công Uẩn (李公蘊)
- Ngày sinh: Ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (năm 974) Từ Sơn, lộ Bắc Giang , Đại Cồ Việt
- Năm lên ngôi: 21/11/1009
- Thời gian trị vì: 19 năm (21/11/1009 - 31/3/1028)
- Ngày mất: Ngày 31 tháng 3 năm 1028, (54 tuổi) Điện Long An, Thăng Long, Đại Cồ Việt
Lý Thái Tổ chính là vị vua sáng lập nên nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời vào năm 1028. Khởi đầu từ quyết định dời đô sáng suốt, mang tính chiến lược của vị vua khai mở triều Lý, cùng tầm nhìn chiến lược trong việc lựa đất đóng đô giữ nguyên giá trị trong hầu hết chiều dài 1000 năm đã đưa Lý Thái Tổ thành vị vua chói sáng nhất trong số các vị vua tài giỏi của lịch sử phong kiến Việt Nam.
2. Thân thế vua Lý Thái Tổ
Vua Lý Thái Tổ có tên thật là Lý Công Uẩn sinh năm 974, là người làng Cổ Pháp (nay thuộc Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, nơi vẫn còn lưu giữ ngôi đền Lý Bát Đế nổi tiếng thờ 8 vị vua triều Lý). Theo truyền thuyết, Lý Công Uẩn mồ côi cả cha lẫn mẹ, được thiền sư Lý Khánh Văn nhận làm con nuôi. Từ nhỏ Lý Công Uẩn đã rất thông minh, vẻ ngoài tuấn tú khác thường. Khi theo nhà sư Vạn Hạnh ở chùa Lục Tổ học, ông được nhà sư rất yêu mến và tiên đoán ắt có thể trở thành bậc minh chủ thiên hạ.
Trước khi trở thành Lý Thái Tổ, Lý Công Uẩn có xuất thân là một võ quan cao cấp của Nhà Tiền Lê. Lý Công Uẩn lớn lên dưới thời Lê Hoàn, ông phò tá hoàng tử Lê Long Việt. Vào năm 1005, vua Lê Hoàn mất, triều đình Tiền Lê loạn lạc vì các con tranh giành ngôi báu. Năm 1006, Lê Long Việt giành được ngôi vua, chính là vua Lê Trung Tông. Tuy nhiên chỉ sau 3 ngày, ông bị em trai Lê Long Đĩnh giết hại và giành ngôi. Trong khi tất cả quan lại đều sợ hãi bỏ chạy, chỉ có Lý Công Uẩn ôm xác vua Lê Trung Tông mà khóc. Vào năm 1009, khi Lê Long Đĩnh - vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê qua đời ở tuổi 35, Lý Công Uẩn đã được thiền sư Vạn Hạnh và lực lượng của Đào Cam Mộc tôn làm hoàng đế. Còn được gọi là vua Lý Thái Tổ. Như vậy, Lý Thái Tổ chính là vị vua đầu tiên của triều đại nhà Lý.
Lý Thái Tổ là vị vua có nhiều hoàng hậu nhất trong lịch sử phong kiến của Việt Nam. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Lập 6 hoàng hậu, duy có đích phu nhân gọi là hoàng hậu Lập Giáo, quy chế xe kiệu và y phục khác hẳn với các cung khác”. Đến tháng 3 năm Bính Thìn (1016) Lý Thái Tổ lại lập thêm 3 hoàng hậu nữa. Như vậy tổng cộng là 9 hoàng hậu.
3. Thành tựu
Trong gần 20 năm làm vua (1010 - 1028), ngoài những công lao to lớn đối với nhà Lý trên phương diện kinh tế, văn hóa, củng cố tư thế độc lập tự chủ dân tộc. Lý Thái Tổ là một vị vua có tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng với những quyết định ảnh hưởng đến vận mệnh đất nước ngàn năm sau.
- Dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (Hà Nội ngày nay)
Sự kiện nổi bật nhất không chỉ trong giai đoạn nhà Lý mà còn đối với cả lịch sử Việt Nam đó là công cuộc thiên đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long (Hà Nội ngày nay) của Lý Thái Tổ. Tháng 7 mùa thu năm 1010, nhà vua công bố thiên đô chiếu (Chiếu Dời Đô) để dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La. Đánh giá việc dời đô ra Thăng Long là một bước ngoặt rất lớn. Sự kiện này đánh dấu sự trưởng thành của dân tộc Đại Việt. Dân tộc Việt không cần phải sống phòng thủ, phải dựa vào thế hiểm trở như ở Hoa Lư để đối phó với quân thù.
- Xây dựng Hoàng Thành Thăng Long vĩ đại
Ngay sau khi dời đô, Lý Thái Tổ đã gấp rút cho xây dựng Kinh thành Thăng Long, đến đầu năm 1011 thì hoàn thành. Khi mới xây dựng, Kinh Thành Thăng Long được xây dựng theo mô hình “Tam trùng thành quách” gồm: vòng ngoài cùng gọi là La thành hay Kinh thành, bao quanh toàn bộ kinh đô và men theo nước của 3 con sông: sông Hồng, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Kinh thành là nơi ở và sinh sống của dân cư. Vòng thành thứ hai (ở giữa) là Hoàng thành, là khu triều chính, nơi ở và làm việc của các quan lại trong triều. Thành nhỏ nhất ở trong cùng là Tử Cấm thành, nơi chỉ dành cho vua, hoàng hậu và số ít cung tần mỹ nữ. Nhà Trần sau khi lên ngôi đã tiếp quản Kinh thành Thăng Long rồi tiếp tục tu bổ, xây dựng các công trình mới.
- Vị vua duy nhất mang quân mở rộng bờ cõi
Lý Thái Tổ là vị vua duy nhất trong lịch sử cho quân giao chiến với quân nước Nam Chiếu (một quốc gia cổ nay thuộc vùng Vân Nam, Trung Quốc). Cuối năm Nhâm Tý (1012) ông nghe tin báo người Nam Chiếu xâm nhập châu Vị Long (nay thuộc Cao Bằng) bèn sai quân đi đánh, bắt được rất nhiều người và hơn 1 vạn con ngựa.
Tháng giêng năm Giáp Dần (1014), 20 vạn quân Nam Chiếu tràn vào châu Bình Lâm (nay cũng thuộc Cao Bằng), “vua sai Dực Thánh vương đem quân đi đánh, chém được hơn 1 vạn đầu, bắt sống được quân lính và ngựa không kể xiết” (Đại Việt sử ký toàn thư).
- Mở ra thời kỳ phát triển phật giáo Việt Nam
Lý Thái Tổ khi lên ngôi rất coi trọng việc xây dựng chùa chiền, lấy Phật giáo làm quốc giáo. Vì ông vốn xuất thân Phật Giáo. Năm 1010, sau khi dời đô về Thăng Long, việc đầu tiên Lý Công Uẩn làm chính là xuất 2 vạn quan để xây chùa tại phủ Thiên Đức (Cổ Pháp).
Đất nước ta dưới thời vua Lý Thái Tổ trị vì rất ổn định. Năm 1028, Lý Thái Tổ băng hà, được đặt thụy hiệu là Thần vũ Hoàng đế. Linh cữu Lý Thái Tổ được táng tại Thọ Lăng.