Nam Hải Đại Vương Hùng Triều - Phạm Hải
Theo Thần phả tại đền thờ làng An Cố, tổng Quảng Nạp (nay thuộc huyện Thái Thụy, Thái Binh), Phạm Hải quê ở châu Bố Chính (Quảng Bình ngày nay), có cha tên là Phạm Châm, mẹ là Phùng Thị Nguyên. Ông sinh ra vào thời Hùng Vương thứ 18. Năm 13 tuổi, ông đã thông minh, tài giỏi khác thường: “thượng tri thiên văn, hạ tri địa lý” (thần phả), người bấy giờ coi là Thần đồng giáng thế. Khi cha mẹ mất, ông thờ cha mẹ đến đoạn tang. Năm 21 tuổi, ông lên đường chu du thiên hạ, kết nghĩa anh em với Tản Viên Sơn Thánh. Phạm Hải đã cùng Tản Viên Sơn Thánh dùng pháp thuật chuyển núi, dời sông, giúp vua Hùng dẹp tan thuỷ tặc. Khi ấy, ở bộ Giao Chỉ (Trấn Sơn Nam, nay là Thái Bình, Nam Định), trời gieo tai ách, dân tình khổ cực, Vua Hùng ngày đêm cầu đảo thì được báo mộng Phạm Hải là Thuỷ thần xuất thế. Vua bèn cho vời Phạm Hải, phong chức “Đô Đài thiên ủng, kiêm Thống chỉ đạo Đại nguyên soái” (thần phả) để đi trừ nạn.
Phạm Hải đi đến làng Bình Lạng, tổng Đô Đài (nay thuộc huyện Thái Thụy, Thái Bình) làm phép dẹp tan dịch bệnh. Dân làng An Cố rước ông về làng, từ đó làng An Cố trở nên thịnh vượng.
Ít lâu sau, Quân Thục sang đánh chiếm. Vua Hùng cho vời Phạm Hải đi cùng Tản Viên Sơn Thánh, thống lĩnh quân đội dẹp tan được giặc Thục. Dẹp xong giặc, Phạm Hải xin về quê Bố Chính. Mấy ngày sau, trời đất tự nhiên tối xầm, sấm vang chớp giật, mưa gào gió thét, rồi Phạm Hải biến mất.
Vua Hùng nghe tin, vô cùng thương tiếc phong cho là Phạm Hải Đại vương và ban cho dân làng trâu rượu, tiền bạc để tế thần và xây dựng miếu thờ. Các làng ven biển, nhiều nơi cũng lập đền thờ Phạm Hải, tức Nam Hải Đại Vương.
Trấn Tây An Nam Kỳ Linh Ứng - Phạm Vĩnh
Vua Cha Bát Hải hay còn gọi là Vua Cha Bát Hải Động Đình, là vị vua chính của Thủy Phủ, đại bản doanh của ông nằm ở bờ biển phía đông nước ta tại Động Đình Hồ. Theo truyền thuyết, ông là cha của Thánh Mẫu Xích Lân Long Nữ, tức là ông cha vợ của thủy tổ Bách Việt Kinh Dương Vương (Kinh Xuyên).
Tương truyền vào thời Hùng Vương thứ 18, khi giặc ngoại xâm xâm lược đất nước, triều đình đã huy động binh tướng giỏi đi đánh giặc. Thế nhưng thế lực quân địch mạnh, Quân đội triều đình không thể chống lại được, vì vậy họ phải tụ họp để triệu tập Linh Sơn Tú Khí để giúp đánh bại kẻ thù. Long Cung Hoàng Thái Tử (tức Giao Long – con Lạc Long Quân và thiếp là Ngọc Nữ) đầu thai vào một gia đình ở Trang Hoa Đào, đất Việt (nay là xã An Lễ, Quỳnh Phụ) phò Vua đánh giặc. Ngài cùng hai người em, 10 tướng (quan lớn Thượng, quan Đệ tam, quan Đệ tứ, Quan Điều Thất,... (Ông Hoàng Mười), quân sự quê ở Nuồi (Huyện Tứ Kỳ, Hải Dương), 28 nội tướng lĩnh và binh lính. Chỉ trong 3 ngày, ông đã đánh tan quân địch ở 8 cảng Tây Nam. Đất nước thanh bình, ông được phong làm “Trấn Tây An Nam Tam Kỳ Linh Ứng – Vĩnh Công Đại Tối Thượng Đẳng Linh Thần”. Sau đó, ông xin về quê phụng dưỡng mẹ, khai khẩn vùng duyên hải, chiêu dân lập ấp, giúp vua Hùng duy trì cửa biển Lạc Việt.
Ngày 25 tháng 8 âm lịch, năm Bính Dần, Vĩnh Công thác về trời. Để tưởng nhớ công ơn của ông, nhân dân trong vùng đã tôn vinh ông là “Vua Cha – Bát Hải Đại Vương”, coi ông là bậc anh cả của dân tộc. Vua Hùng bằng lòng, cho sửa cung Vĩnh Công làm miếu thờ Vĩnh Công đời đời. Từ đó, đến ngày giỗ của Vĩnh Công, các tướng sĩ tụ tập ở Trang Hoa Đào, hành lễ và tổ chức các cuộc tưởng niệm đại thắng như trước. Cúng rằm tháng 8 dần trở thành truyền thống và được lưu truyền cho đến ngày nay.
Người dân địa phương tương truyền rằng, đền Vĩnh Công Đại Vương Bát Hải Động Đình đã nổi tiếng linh ứng từ xa xưa. Ông được coi là vị thần tối cao của vùng đất Lạc Việt. Một lễ hội vào tháng 8 âm lịch tại một ngôi chùa quy tụ mọi người dân Việt Nam để chiêm bái và cầu nguyện. Tục ngữ dân gian: “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ” chính là để chỉ Hội tháng 8 ở đền Đồng Bằng.
Tướng quân Phạm Gia
Theo Lịch sử xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây, XB năm 1998 và Phả hệ họ Trịnh tại đây thì vào năm 208 trước Công nguyên, khi Thục An Dương Vương bị Triệu Đà đánh thua, chạy xuống biển thì các vị tướng Phạm Gia và Trịnh Huân đã lui quân về sông Đáy, lập căn cứ để mưu sự giúp vua Thục lấy lại giang sơn. Sự nghiệp cứu nước không thành, các ông đã cùng nhân dân khai phá đất đai lập trang Cái Chuôm, nay còn di tích ở xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, Hà Tây.
Trịnh Binh Di
“Lịch sử Yên Nghĩa, Hà Tây”,
và “Phả hệ họ Trịnh”, 1998
Phạm Thị Xuân Dung và Phạm Thị Quân
Hai bà Phạm Thị Xuân Dung và Phạm Thị Quân theo cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống Thái thú Tô Định nhà Hán. Khởi nghĩa thất bại, Hai Bà đã đưa 50 nghĩa quân về mở đất, lập làng. Những người theo hai Bà đều lấy theo họ của Bà.
Vùng đất thuộc huyện Thông Nguyên trước kia, nay thuộc làng Thuận Vi, xã Bình Thuận, huyện Vũ Thư, Thái Bình, có đền thờ hai Bà. Ở làng Hà Xá, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, Thái Bình cũng có đền thờ Xuân Dung Công chúa.
Theo thần phả làng Hà Xá, bà Xuân Dung là người họ Phạm, gốc làng Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yen. Thuở thiếu thời, Bà thường mang tơ kén sang vùng Hà Xá để bán. Bà bị ép duyên, nên đã cùng bà Trần Thị Lang bỏ trốn nhà đến làng Đìa (nay thuộc xã Hùng An). Ở đây, hai bà đã gặp bà Phạm Thị Quân, cùng nhau theo về Mê Linh tham gia khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.
Sau khi khởi nghĩa bị thất bại, ba bà trở về Hà Xá, dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Nghề này vẫn còn được duy trì đến ngày nay. Khi các bà mất, nhân dân Hà Xá đã lập đền thờ. Qua nhiều lần bão lụt, sụt lở, đền bị đổ sập nhiều lần, nhưng nhân dân vẫn lập đi, lập lại, và cho đến nay đền vẫn còn.
Tướng quân Phạm Khánh
Ở vùng Ngoạn Khu (nay là làng Buộm, xã Phú Sơn, Thái Bình) có Phạm Khánh là con ông Phạm Phúc và bà Cao Thị Nguyên tham gia khởi nghĩa chống quân Hán. Tương truyền, ông đã giúp Hai Bà Trưng thảo hịch khởi nghĩa và được nhân dân hưởng ứng, đồng lòng đứng dậy đánh đuổi Tô Định, chiếm được 65 huyện thành.
Tướng quân Phạm Khánh đã được Hai Bà Trưng phong cho làm Phụ Chính Tướng Quốc.
Làng Buộm hiện có rất nhiều người họ Cao, họ Phạm.